Chi tiết tin

Lễ hội

Lễ hội đâm trâu của đồng bào Cơtu Tây Giang, Quảng Nam.

Người đăng: Quản Trị Ngày đăng: 15:37 | 27/04 Lượt xem: 2155

Đồng bào Cơ Tu sống giữa đại ngàn Trường Sơn, làm nương, phát rẫy săn bắt để sinh sống nên họ tin vào Giàng (trời) và các đấng thần linh. Lễ hội đâm trâu là một trong những tín ngưỡng thần linh quan trọng của người Cơ Tu, được tổ chức vào các dịp mừng lúa mới, mừng nhà mới, cưới xin…, và là hình thức sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu trong đời sống của đông bào.

Đồng bào Cơ Tu sống giữa đại ngàn Trường Sơn, làm nương, phát rẫy săn bắt để sinh sống nên họ tin vào Giàng (trời) và các đấng thần linh. Lễ hội đâm trâu là một trong những tín ngưỡng thần linh quan trọng của người Cơ Tu, được tổ chức vào các dịp mừng lúa mới, mừng nhà mới, cưới xin…, và là hình thức sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu trong đời sống của đông bào. Với quan niệm: khi Giàng và các vị thần linh nhận lễ vật, nhất là trâu, thì sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, mùa màng sẽ bội thụ, cuộc sống sẽ ấm no quanh năm…

Lễ hội ăn trâu thường diễn ra vào lúc nông nhàn, mọi người vui chơi, nghỉ ngơi đẻ chuẩn bị cho mùa rẫy mới, thường vào tháng ba hoặc tháng tư âm lịch.

Để chuẩn bị cho lễ hội đâm trâu, người Cơ Tu chọn một con trâu đực to khỏe để tổ chức lễ đâm trâu. Địa điểm chọn đâm trâu thường được tổ chức trước nhà Gươl truyền thống. Vào dịp này bà con vui mừng tổ chức nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như: hát lý, đánh chiêng, múa tung tung da dá, liên hoan văn nghệ...để cùng nhau tổ chức đâm trâu hiển tế thần linh.

Một cột X’nur dùng để cột con trâu đã được những người Cơ Tu lớn tuổi, am hiểu phong tục, tập quán, có kinh nghiệm, thể hiện một cách tỉ mỹ và công phu. Cột X’nur được trang trí hoa văn với 3 màu chủ đạo là đen, trắng,đỏ thể hiện tính thẩm mỹ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống nguồn gốc dân tộc, cầu mong cho dân làng Cơ Tu luôn trường tồn...Phía trên cột là một chiếc phểu được làm bằng ống lồ ô ngửa lên trời. Ngoài ra, còn nhiều thứ dùng để trang trí phụ họa cho cột X’nur là 2 cây lồ ô cao vút, còn ngọn và lá ở 2 phía đối xứng, võng cong xuống gần chiếc phễu. Đồng bào dùng nhiều loại dây như dây thừng, dây mây lướn để cột trâu. Con trâu lượn quanh sân bởi dây cột được cột quanh vòng X’nur. Theo truyền thống, trước khi làm lễ đâm trâu, con vật hiến tế này bao giờ cũng được tắm rửa sạch sẽ và ăn thật no.

Phía bên cạnh nhà Gươl bao giờ cũng được dựng một nhà cúng rộng khoảng 4-5m2, bao bọc bằng những tấm tuốt, tấm choàng bằng vải thổ cẩm. Ngay giữa sàn cúng đặt 1 mâm lễ gồm: 1 con gà luộc chín, 1 đầy heo,1 ống cá nướng, rượu tà vạt, bánh sừng trâu, ống cơm lam...già làng và các bậc cao niên có uy tín am hiểu phong tục, tập quán tập trung khấn cúng Giàng. Đàn ông, phụ nữ và cả những em nhỏ đều mặc trang phục truyền thống đẹp nhất.

Đàn ông mang theo trống chiêng và một số loại khác như gươm, giáo, đi đâu thành hàng đánh chiêng vui nhộn, sôi nổi, rồi lần lượt có điệu chiêng khóc tế trâu. Phụ nữ uyển chuyển cùng nhau nhảy múa tung tung da dá thành một vòng tròn xung quanh con trâu. Ngoài sân, người lớn, trẻ nhỏ đứng xung quanh, vừa xem, vừa hú vang theo nhịp chiêng trống.

Gà gáy báo sáng cũng là lúc người ta gọi “Thần lúa” và hát khóc trâu để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật yêu quý trước khi làm lễ hiến sinh. Vừa hát người ta vừa tưới nước vào đầu con trâu. Trâu được buộc chặt vào cột X’nur, các già làng làm lễ cúng Giàng và khóc trâu. Họ khóc trâu rằng: T’rí ơi! Amay canh acon vêl bhướl, amay chết vêl bhướl k’ây lom k’ây luôl t’ri ơi… Amay chết đăng vêl bhướl gabhố, đăng Pleng năl luôi lom vêl bhươl.. (Trâu ơi mày là đứa con cả dân làng, mày chết đi dân làng đau lòng lắm trâu ơi… Mày chết đi để dân làng được no ấm, cho Giàng biết cái bụng của dân làng…).

Trâu được tế sống bằng một chén rượu, chén gạo, bát xôi – những vật phẩm gần gũi và gắn bó với cuộc sống người dân.

Khoảng 1h sau khi cúng Giàng, tổ tiên và ông bà xong. Già làng có uy tín nhất dùng cây giáo dài nhất, chắc và sắc nhất đâm nhát giáo đầu tiên vào hông phải con trâu rồi mới trao lại cây giáo đó cho thanh niên hoặc các bậc trung niên khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm.

Những nhát đâm đầu tiên được các già làng lần lượt thực hiện.

Cùng lúc tiếng vang, tiếng gây đập đuổi, tiếng chiêng trống, tiếng bước chân người nhảy điệu tung tung da dá và những nhát giáo sáng loáng làm con trâu chạy quanh cột X’nur lồng lộn né tránh. Những người cầm giáo lựa những chỗ hiểm nhất của trâu mà đâm cho đến khi con trâu ngã quỵ.

Lúc này người ta túm đuôi và đầu trâu, vật sang một bên, tuyệt đối không để phía hông trâu bị đâm nằm xuống đất và đầu trâu không bao giờ nằm về phía cột X’nur, theo họ, vì như vậy là không may mắn và linh hồn trâu không về được với Giàng. Khi trâu chết, họ lấy tấm dồ, tấm tuốt đẹp nhất đắp lên mình trâu, các loại bánh, cơm lam, trái cây, chuối chín, gà, vịt, gạo...cũng được bó vào miệng trâu như hàm ý khi trâu chết về thế giới bên kia cũng được no đủ. Những người tham dự lần lượt đến chỗ trâu tự lấy các loại bánh, cơm lam, chuối để ăn, máu trâu được họ bôi lên trán với ước nguyện sức khỏe luôn dồi dào, gia đình hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng đoàn kết và thương yêu nhau, làm ăn no đủ...

Khi trâu gục xuống, dân làng đưa những lễ vật như: vải thổ cẩm, lúa gạo, lợn, gà đến đặt lên mình trâu với ý nghĩa chia một phần cho trâu trước khi về với Giàng, các vị già làng đứng ra làm lễ tế linh hồn trâu. Trâu sau khi chết, được mổ thịt, chia phần cho các gia đình trong thôn. Đầu trâu được treo ở vị trí chính giữa nhà Gươl để hồn trâu luôn ở lại và giúp dân làng no ấm.

Khi trâu chết, người ta lấy chót của đuôi trâu cùng với một con gà trống còn sống mang cúng thần linh để báo tin trâu ngã quỵ thành công. Cả con gà và đuôi trâu được những người già có uy tín nhất cầm và tung lên ném đúng vào chiếc phểu trêu đầu cột X’nur. Dân làng reo vui, mừng cho điềm lành và thắng lợi rồi hân hoan mời khách quý lên nhà Gươl cùng nhau ăn, uống thỏa thích. Trâu được đem xẻ thịt, tiết trâu, gan, tim và bộ lòng trộn lẫn nhau để cúng Giàng và đãi khách quý, thịt trâu được đem đi chế biến các món ăn truyền thống...để đãi khách, số còn lại đem chia đều cho dân làng. Mọi người quây quần bên nhau trong ngôi nhà Gươl uống rượu, hát lý, đánh chiêng, thổi kèn, múa tung tung da dá cả ngày và kéo dài đến hết đêm hôm đó. Khi gà rừng cất tiếng gáy vang báo hiệu một ngày mới lại về trên núi rừng bao la và rộng lớn thì mọi người lần lượt ra về trong men say của tình hữu nghị và đoàn kết.

Tác giả:

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

CẨM NANG DU LỊCH

        
Lễ hội Điểm thăm quan
  Kinh nghiệm DL
      
 Giải trí  Mua sắm  Ẩm thực
      
 Dịch vụ lưu trú  Dịch vụ y tế  Ngân hàng - ATM

THỜI TIẾT

Đông Giang

LIÊN KẾT WEB

select

HÌNH ẢNH

CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH HUYỆN ĐÔNG GIANG - QUẢNG NAM
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập