Chè dây được đồng bào Cơ tu gọi tên là Ra Zéh. Ra Zéh là loại chè dây được đồng bào Cơ tu huyện Đông Giang sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột và có tác dụng an thần.
Đây là loài cây có thị trường tiêu thụ lớn, ổn định và có giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Nhưng thời gian qua, do khai thác quá mức đã dẫn đến nguồn tài nguyên này giảm sút nghiêm trọng và ngày càng cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng trên, ngày 07/8/2015 UBND huyện Đông Giang đã có Quyết định số 1362/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Bảo tồn, phát triển cây chè dây Ra Zéh trên địa bàn xã Tư, giai đoạn 2015-2020. Tổng kinh phí dự án hơn 4,7 tỷ đồng.
Cây chè dây có tên khoa học Ampelopsis Cantoniensis Planch, họ Nho (Vitacae); đồng bào Cơ tu gọi là cây chè rừng. Đây là loại thân dây, lá thon nhỏ, chân chim có hình răng cưa, có vị ngọt, đắng, tính mát được đồng bào dân tộc miền núi sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột… Ngoài ra chè dây còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ và làm lành các ổ loét, diệt trừ khuẩn Helicobacter pylori với tỷ lệ cao.
Kết quả nghiên cứu chè dây của Viện dược liệu (Bộ Y tế) với các kết luận sau: Chè dây có tác dụng diệt vi trùng, vi khuẩn, giảm độ axit tại dạ dày, giúp cho bệnh loét dạ dày dễ liền sẹo; cắt cơn đau do viêm loét hành tá tràng đạt 93,4%, với Alusi (loại thuốc chuyên trị bệnh viêm loét hành tá tràng hiện nay) là 89%; khỏi bệnh ở mức độ liền sẹo là của chè dây là 36,36% với Alusi 30,56%... Sử dụng chè dây không gây độc và không có tác dụng phụ.
Ở xã Tư của huyện Đông Giang, loại cây này mọc phát tán tự nhiên dưới tán rừng. Qua khảo sát, loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng các thôn trên địa bàn xã Tư và một số thôn của các xã vùng giáp ranh, đặc biệt là ở các vườn đồi, rừng tái sinh sau nương rẫy. Chè dây thu hoạch sau thời gian sinh trưởng 10-12 tháng, thu hoạch 3-4 lần trong năm, năng suất bình quân 6-8 tấn/ha/năm. Hiện nay, giá loại dược liệu này dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg khô (tương đương 170 triệu đồng/ha/năm) lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Ông Nguyễn Văn Bình- Chủ tịch UBND xã Tư cho biết: “Trong những năm gần đây, với những công dụng của cây chè dây nên thị trường tiêu thụ tương đối lớn. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, trồng, phát triển cây chè dây trên địa bàn chưa được triển khai, chỉ có một vài hộ dân tại các thôn như: Điềm, Láy, Nà Hoa trồng mang tính tự phát, nhỏ lẽ. Do khai thác quá mức phục vụ nhu cầu thị trường, nên trữ lượng chè dây còn rất thấp có nguy cơ cạn kiệt, lượng trao đổi, bán ra thị trường nhỏ lẽ, không ổn định. Bên cạnh đó, khâu chế biến, bảo quản mang tính truyền thống, thủ công của đồng bào Cơ Tu nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thị trường chưa được thực hiện, các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát, phụ thuộc vào thị trường, giá cả không ổn định... Trước thực tế đó, xã đã xây dựng đề án bảo tồn, phát triển chè dây Ra Zéh trên địa bàn và UBND huyện đã phê duyệt. Đề án sớm được triển khai sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời tạo thương hiệu cho loại chè dây Ra Zéh ở Quảng Nam”.
“Chè dây ở xã Tư đã nhiều lần tham gia hội chợ và được khách hàng ưa chuộng, sau khi sử dụng bà con tiếp tục đặt hàng và giới thiệu cho nhiều người sử dụng. Với nhu cầu sửu dụng ngày càng nhiều, nên bà con trong xã không đủ hàng cung cấp ra thị trường”. Ông Nguyễn Văn Bình- Chủ tịch UBND xã Tư chia sẻ.
Theo dự án bảo tồn và phát triển chè dây Ra Zéh, trong năm 2015 sẽ hoàn thành công tác lập dự án, quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển cây chè dây. Thành lập các tổ hợp tác sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm chè dây. Đến năm 2020, tổng diện tích cây chè dây là 140ha, trong đó trồng mới 40ha và khoanh nuôi trổng bổ sung 100ha; năng suất đạt 1,5-2 tấn khô/ha/năm. Tổng sản lượng chè dây đạt: 250 tấn khô/năm…
Thiết nghĩ, Dự án Bảo tồn và phát triển cây chè dây Ra Zéh phù hợp với định hướng phát triển KT-XH cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, tâm lý, nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, nếu xây dựng được vùng sản xuất chè dây Ra Zéh chuyên canh tập trung sẽ tạo sản phẩm hàng hóa, khai thác tốt các nguồn lực, tiềm năng đất đai, lao động, qua đó giúp người dân phát triển kinh tế hộ, cải thiện đời sống, thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng thành công NTM trên địa bàn huyện Đông Giang.
Ngọc Vy