Chi tiết tin

Nhạc cụ truyền thống

NHẠC CỤ CỦA NGƯỜI CƠ TU QUẢNG NAM

Người đăng: Quản Trị Ngày đăng: 9:45 | 27/04 Lượt xem: 1420

Là tộc người cư trú lâu đời ở miền núi phía tây Quảng Nam, tập trung ở 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, người Cơ tu có nền văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc, đặc biệt là âm nhạc truyền thống. Mỗi hình thái biểu hiện đều có những giá trị đặc trưng với nhiều loại nhạc cụ, làn điệu, điệu thức dân gian còn được bảo lưu cả về mật độ cũng như về số lượng ở các xã vùng cao huyện Tây Giang (Tr'hy, Axan, Ch’ôm, A Tiêng, Lăng, Bhallêê...) và các xã vùng cao huyện Nam Giang (Laêê, Chàval, Zuôih...).

Là tộc người cư trú lâu đời ở miền núi phía tây Quảng Nam, tập trung ở 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, người Cơ tu có nền văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc, đặc biệt là âm nhạc truyền thống. Mỗi hình thái biểu hiện đều có những giá trị đặc trưng với nhiều loại nhạc cụ, làn điệu, điệu thức dân gian còn được bảo lưu cả về mật độ cũng như về số lượng ở các xã vùng cao huyện Tây Giang (Tr'hy, Axan, Ch’ôm, A Tiêng, Lăng, Bhallêê...) và các xã vùng cao huyện Nam Giang (Laêê, Chàval, Zuôih...).

Nếu núi rừng đại ngàn làm cho người Cơ tu có không gian văn hóa cồng chiêng là đặc trưng tiêu biểu nhất, thì quá trình đấu tranh sinh tồn trên mảnh đất này đã hình thành nên âm nhạc dân gian truyền thống. Nhạc cụ truyền thống Cơ tu có hơn 20 loại khác nhau thuộc bộ gõ, bộ dây, bộ hơi mà chất liệu tạo ra từ thiên nhiên núi rừng sẵn có. Mỗi loại nhạc cụ được quy định sử dụng cho từng loại lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, gia đình, cá nhân, giới tính, không gian, thời gian thể hiện khác nhau. Có loại nhạc cụ, nhạc điệu sử dụng trong lễ hội của cộng đồng, có loại lại sử dụng tại gia đình, khi lao động trên nương rẫy hay khi săn bắt, tỏ tình trai gái. Đối với từng loại nhạc cụ, còn quy định cụ thể đối tượng sử dụng.

Đàn abel làm bằng một ống tre dài, dây đàn làm bằng chất liệu cây rừng (sợi tre, nứa, mây, song...), trên thân đàn, nằm song song với dây đàn có gắn 4 cục sáp ong làm chức năng nốt bấm. Ngoài các bộ phận liên kết trên thân đàn, còn có 1 bộ phận rời là 1 mảnh tre vót nhỏ như cây tăm để tác động kéo qua, kéo lại trên sợi dây tạo âm thanh dài, ngắn khác nhau. Sử dụng đàn abel có thể là 2 người, dùng để hát đối đáp, trao đổi ý kiến với nhau, 1 người đàn còn người kia ngậm vảy trút để diễn đạt điều mình muốn nói. Đàn abel là loại nhạc cụ thông dụng, mục đích thể hiện tâm tư tình cảm của riêng mình hay giữa 2 người với nhau. Không gian thể hiện đàn abel là ở trong nhà, trên nương rẫy hay ở gươl. Thông thường đàn abel được sử dụng trong những giờ phút rảnh rỗi, vui chơi của hội làng. Lúc đó nam nữ tỏ tình, tự mình thổ lộ uẩn khúc trong lòng và đôi khi tranh luận cả những điều bất hòa với nhau nữa. Nhạc điệu được sử dụng là các làn điệu dân ca ba boóch, cha chấp. Nếu bị người con trai ghẹo, cô gái không hài lòng lắm, thì cô gái cất tiếng ca với làn điệu cha chấp qua tiếng đàn abel: Hơđhơ acu mốp, a cu máp lớh amế tơnăn; hơđhơ acu tăm, acu lớh ama tơmông (dù tôi xấu xí mẹ tôi đã cho tôi bú, dù tôi đen đúa cha tôi đã nuôi nấng).

Điểm đặc biệt của đàn abel là vừa sử dụng sự tác động vào dây để tạo ra những âm thanh, lại vừa sử dụng hơi thổi từ miệng để tạo nên lời nói âm nhạc. Cái chính của sự độc đáo ở đây, nếu chỉ với một người sử dụng thì đã khó, nhưng khó và phức tạp hơn là trường hợp hai người cùng sử dụng. Lúc đó, người đàn, người thổi phải có sự đồng nhất với nhau trong từng nốt âm thanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến người sử dụng cũng như sự tồn tại của chiếc đàn abel ngày càng ít đi.

Đàn tơbhréch alui là loại nhạc cụ giống như đàn bầu của người Việt, có 2 bộ phận: cần đàn là một ống tre, gắn trên chốt tre; thùng đàn làm bằng 1 phần quả bầu eo hình bát úp, mặt kia ngửa ra ngoài.

Đàn có 2 dây làm bằng sợi mây chuốt nhỏ. Khi sử dụng đàn, người ta áp phần thùng đàn (quả bầu) vào bụng, dùng 1 tay đánh vào dây đàn ở phần phía cần đàn có gắn quả bầu; tay kia bấm nốt trên dây đàn phía dưới ở phần đầu kia của cần đàn. Tùy theo tiết tấu của nhạc điệu mà người sử dụng đánh (gảy) vào dây đàn bên dưới để tạo ra âm thanh như ý muốn... Đàn được sử dụng trong các lễ hội của cộng đồng, với vai trò hòa âm. Tơbhréh alui còn được sử dụng thường xuyên ở những buổi hát lý. Trong lễ hội, tơbhréh alui dành riêng cho nam giới, nhất là người già có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết được các nhạc điệu quy định cho từng loại lễ hội. Ngoài lễ hội, đàn tơ bhréh alui được dùng để thể hiện các làn điệu dân ca như ba boóch, cha chấp, bhơ nóoch, ca lới... Điểm độc đáo của đàn tơbhréh alui là có 2 dây tạo âm thanh khác biệt nhau, và 2 cách sử dụng, áp vào bụng hoặc lật ngửa quả bầu ra.

Kèn cơrơdol được làm bằng sừng sơn dương. Ngày xưa, vùng rừng núi của người Cơ tu cư trú có rất nhiều sơn dương, khi săn bắn được, ngoài thịt dùng để làm thực phẩm, họ chọn những con già có bộ sừng cứng, đẹp để cắt lấy làm nhạc cụ. Chế tác cơrơdol rất khó, vì quá tỉ mỉ và phải chính xác, nhất là việc cân đối độ dài, độ to nhỏ của thân sừng để khoét đặt lưỡi gà, chọn phía chân sừng làm chân kèn, bên trong khoét rỗng. Khi cắt sừng, người Cơ tu đem phơi nắng, treo trên giàn bếp để việc sử dụng được lâu dài. Khi làm cơrơdol, ở phía chân kèn dùng một tấm da thú rừng để bịt dán kín lại. Trên phần tấm da bịt kín nằm ở phía đường cong bên trong của chiếc sừng khoét một lỗ tròn. Phía đỉnh sừng, người ta mài nhẵn để tạo nên một lỗ. Như thế cả hai đầu kèn đều có lỗ thông. Ở thân kèn, phần đường cong bên trong được khoét một lỗ hình chữ nhật ngay ở điểm chính giữa so với độ dài của thân kèn để đặt lưỡi gà, gắn bằng một chất keo lấy từ nhựa cây rừng. Trước đây lưỡi gà được làm bằng tre cắt mỏng.

Khi sử dụng, dùng 2 ngón tay cái bấm vào 2 lỗ phía hai đầu của kèn và thổi hơi vào lưỡi gà ở giữa thân kèn để tạo ra âm thanh. Cơrơdol có những âm thanh độc đáo không chỉ bởi hơi thổi khác nhau, mà còn do kỹ thuật sử dụng ngón tay bấm vào 2 lỗ ở hai đầu thân kèn theo những nguyên tắc được quy định cho từng giai điệu. Một đặc điểm đáng chú ý trong nghệ thuật tạo âm thanh của kèn là phỏng theo tiếng suối chảy, chim hót, gió vút... Người thổi phải có những biệt tài về kỹ thuật hơi thổi và bấm tay, đặc biệt là sử dụng kỹ thuật hút hơi vào miệng. Kỹ thuật này thì người già có nhiều kinh nghiệm, và phải là người có khả năng hút hơi vào lồng ngực sâu, dài thì mới tạo nên được những âm thanh độc đáo.

Trong các lễ hội lớn, cơrơdol được sử dụng để hòa âm cùng với cồng chiêng và một số nhạc cụ khác với tư cách giai điệu chính. Âm thanh của kèn là linh hồn của cao trào vũ điệu ting tung da dá. Ngoài ra cơrơdol còn được sử dụng làm phương tiện thông tin về các vấn đề trong cuộc sống cộng đồng, ứng với mỗi loại thông tin là một giai điệu nhất định, được quy định bao đời nay.

Cơrơdol là loại nhạc cụ chỉ dành cho nam giới. Nếu ở trong những lễ hội lớn của cộng đồng thì người thổi phải là người lớn tuổi. Kèn cơrơdol thường đi kèm cồng chiêng, đhưưng, brếch, đhập đhưưng, đhập brếch. Rất tiếc, hiện nay do khó tìm loài sơn dương nên đồng bào Cơ tu không có sừng để làm kèn. Họ thấy không thể thiếu vắng tiếng kèn nên đã thay thế chất liệu kèn bằng sừng trâu, nhưng dẫu sao, nhạc điệu và những người đàn ông thổi kèn cơrơdol vẫn còn trên đại ngàn Trường Sơn.

Đến với một lễ hội đâm trâu mừng lúa mới, lễ hội đoàn kết, lễ hội cầu mùa... ngoài âm thanh hùng tráng của cồng chiêng, ngoài tiếng kèn réo gọi khi vút lên, khi ngắt lại của cơrơdol thì người ta dễ nhận thấy âm thanh trầm hùng nhưng lại vang xa của kèn tơghêy.

Kèn tơghêy là một trong những loại nhạc cụ độc đáo của người Cơ tu, còn gọi là kèn axăng (cách gọi phổ thông là kèn sừng trâu hay tù và). Trong đời sống tâm linh của người Cơ tu, kèn tơghêy gắn với sự thiêng liêng của đất trời, của yàng mà con người phải tuân phục. Kèn tơghêy và âm thanh của nó luôn là cầu nối giữa con người với các thế lực huyền bí, siêu nhiên.

Kèn tơghêy làm bằng sừng trâu. Thông thường con trâu được chọn lấy sừng làm kèn phải là khỏe, mập và có tuổi đời hết lớn, theo cách đo của người Cơ tu là trâu 8 gang tay. Bên trong sừng để rỗng, phần chân sừng được bịt bằng tấm da thú, khoét một lỗ tròn hoặc gắn một ống khối tròn để tạo một lỗ thông. Phía giữa phần cong bên trong thân sừng khoét một lỗ hình chữ nhật làm điểm gắn lưỡi gà là một tấm tre mỏng, được kết dính vào kèn bằng loại nhựa cây rừng. Âm thanh của kèn tơghêy được tạo ra bằng cách thổi hơi vào lưỡi gà và dùng tay trái tác động vào lỗ thông ở cuối thân kèn. Âm thanh khác nhau là do hơi thổi kết hợp với bàn tay nhấn vào, mở ra ở lỗ thông hơi. Cũng như kèn cơrơdol, kèn tơghêy có đặc điểm tạo được những âm thanh độc đáo khi sử dụng kỹ thuật hút hơi từ kèn trở ngược lại miệng người thổi. Kèn tơghêy được sử dụng ở tất cả những lễ hội lớn của cộng đồng, nhưng chỉ những trường hợp có giết trâu để cúng yàng, cúng các thần linh. Theo quan niệm của người Cơ tu, tiếng kèn tơghêy sẽ báo với thần linh, với yàng biết ý định của dân làng khi mở lễ hội. Tiếng kèn cũng là thông điệp gửi đến dân làng khác để báo tin vui, làng mình mở hội. Tiếng kèn tơghêy vang lên tức là cái bụng của dân làng cùng chung một nếp nghĩ, cùng lo toan cho cuộc sống, đoàn kết và đang thể hiện sức mạnh ở lễ hội ăn trâu của làng. Kèn tơghêy là niềm tự hào của người Cơ tu, vì nó gắn liền với đời sống tinh thần, đời sống vật chất của họ. Chính vì lẽ đó, kèn được trân trọng như là tài sản quý giá, được bảo quản, cất giữ những nơi trân trọng trong nhà và ở nhà gươl.

Kèn tơghêy là nhạc cụ dành riêng cho các già làng và người có uy tín nhất trong làng, chỉ sử dụng trong lễ hội có đâm trâu cúng yàng, thần linh. Với mục đích và không gian sử dụng như vậy, nên nhạc cụ này không thông dụng trong đời sống. Có thể nói kèn tơghêy là nhạc cụ của lễ hội. Trong lễ hội, kèn tơghêy thường mở đầu làm nền cho các loại nhạc cụ khác. Khi chuyển tiếp các tình tiết của lễ hội thì kèn tơghêy đảm nhận vai trò chính hòa cùng với âm nhạc cồng chiêng.

Cho đến nay, ở vùng Cơ tu có những chiếc kèn tơghêy được cất giữ, sử dụng qua nhiều thế hệ, trở thành một di sản của gia đình hay của làng, bản. Nó quý giá không chỉ vì lâu năm mà còn vì âm thanh của chiếc kèn được khẳng định là chuẩn mực cho cái tai nghe trong lễ hội. Tuy nhiên những chiếc kèn này cũng như người sử dụng nó có nghề thì hiện tại còn rất ít.

Sáo ahel của người Cơ tu làm bằng ống tre. Trên thân sáo nằm ở một phần nửa thân có khoét 3 lỗ hình chữ nhật ở phần trên và 1 lỗ hình chữ nhật ở phần dưới. Ở một đầu sáo có khoét 1 lỗ hình chữ nhật đặt vào đó 1 lưỡi gà bằng tre mỏng. Đây là loại sáo 3 lỗ, đặc điểm lỗ bấm nút tạo âm có hình chữ nhật chứ không tròn như sáo của người Kinh. Khi sử dụng, thổi vào lưỡi gà và bấm nốt tạo âm.

Sáo tơrel giống sáo ahel, có 3 lỗ bấm được khoét hình tròn, được bịt kín 1 đầu bằng da thú hoặc chọn thân cây tre làm sáo nên giữ lại phần đầu mấu. Sáo ahel và tơrel đều là nhạc cụ được sử dụng với chức năng phụ hòa âm cho các loại nhạc cụ khác trong lễ hội cộng đồng. Sự có mặt của 2 loại nhạc cụ này không quan trọng, nhưng trong đời sống thường ngày của người Cơ tu thì nó lại không thể vắng mặt. Khi người con trai muốn thổ lộ tâm tình muốn chọn người con gái làm vợ thì người con trai phải có tài thổi sáo ahel, tơrel để thổ lộ tình yêu.

Những lúc vào rừng, lên núi sản xuất, khi nghỉ ngơi người đàn ông lại dùng tiếng sáo ahel, tơrel để đệm cho lời hát của người khác theo các làn điệu cha chấp, ba bóoch để đối đáp, thổ lộ tâm tư tình cảm. Nghệ thuật sử dụng ahel, tơrel đạt đến mức điêu luyện không chỉ là niềm tự hào của người đàn ông, mà còn là một trong những tiêu chuẩn về cái đẹp, cái giỏi trong quan niệm của người phụ nữ Cơ tu.

Đàn gơrơnưna là đàn một dây gắn vào ống tre, giữa thân đàn có khoét 1 lỗ, bên trên có nắp gảy. Người đàn ông Cơ tu sử dụng đàn để đệm cho các loại nhạc cụ khác trong lễ hội làng.

Đàn jưl là loại đàn có thùng làm bằng gỗ, hình dáng và kích thước gần giống như đàn măng đô lin nhưng chỉ có 2 dây. Nam nữ Cơ tu sử dụng đàn trong dịp sau lễ hội cộng đồng, họ tụ tập lại hát đối đáp, hát giao duyên theo các làn điệu dân ca. Tiếng đàn cất lên để người con trai ngỏ lời yêu thầm, trộm nhớ về người con gái cùng sáng chiều lên nương, xuống suối và mong được nghe lời hát đáp lại.

Atuốt là loại sáo làm bằng ống tre, trên thân có 4 lỗ. Âm thanh của atuốt trầm mặc, du dương. Tiếng sáo được cất lên đó là nỗi niềm của người con trai những lúc đêm xuống, lúc như tiếng thở dài, buồn bã, lúc lại sôi nổi tràn trề niềm vui. Với các cụ già thì dùng atuốt là để hồi cố quãng đường gian lao đã trải qua.

Tuy nhiên, người Cơ tu cũng có loại nhạc cụ dành cho nữ giới là sáo aluốt 6 lỗ, sáo bham, sáo areng, sáo trer... Âm thanh của các loại sáo này biểu lộ tình cảm vui, buồn khác nhau của con người theo các làn điệu dân ca truyền thống ba boóch, cha chấp, ca lới và cả những nhạc điệu u buồn như cơ lâu, cơ lênh.

Trong hệ thống các loại nhạc cụ dành cho nam giới còn có sáo cơrơtóoc. Sáo này sử dụng khó vì nó không có lỗ bấm, âm thanh hoàn toàn phụ thuộc vào tài nghệ của người thổi. Với mục đích dùng để nhử các loài chim vào bẫy, nên người thổi phải tạo âm thanh sao cho giống với tiếng hót của từng loại chim ở rừng.

         Hệ thống nhạc cụ mà người Cơ tu sử dụng trong lễ hội và trong cuộc sống thường nhật là khá đa dạng và phong phú. Ứng với mỗi loại nhạc cụ lại có một không gian, đối tượng sử dụng riêng. Mặc dù vậy, đến nay, trên địa bàn sinh sống của người Cơ tu, những chiếc sáo, chiệc kèn cũng như người sử dụng có kỹ thuật, để nó thật hay như tiếng suối chảy, tiếng chim rừng hót, thì một ngày một ít đi. Đó là một thực tế đáng báo động trong việc giữ gìn vốn văn hóa của các tộc ít người.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 318, tháng 12-2010

Tác giả : Tôn Thất Hướng

Tác giả:

Nguồn tin: Tạp chí VHNT số 318, tháng 12-2010

[Trở về]

Các tin khác:

CẨM NANG DU LỊCH

        
Lễ hội Điểm thăm quan
  Kinh nghiệm DL
      
 Giải trí  Mua sắm  Ẩm thực
      
 Dịch vụ lưu trú  Dịch vụ y tế  Ngân hàng - ATM

THỜI TIẾT

Đông Giang

LIÊN KẾT WEB

select

HÌNH ẢNH

CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH HUYỆN ĐÔNG GIANG - QUẢNG NAM
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập