Đông Giang là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam; diện tích tự nhiên 81.263 ha, dân số 24.743 người, trong đó gần 72% là người Cơtu.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc, văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được ổn định; Tuy nhiên cùng với sự phát triển chung của xã hội, sự giao lưu kinh tế, văn hóa trong sinh hoạt đời sống hàng ngày giữa các dân tộc, các tộc người với nhau đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến những nét văn hóa đặc trưng của người Cơtu trên địa bàn huyện.
Xác định công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơtu có vị trí, vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; những năm qua, nhất là từ năm 2009 đến nay, thực hiện Nghị quyết 77/2008/NQ-HĐND ngày 31/12/2008 của Hội đồng nhân dân huyện về “Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơtu giai đoạn 2009-2015”, các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành huyện Đông Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơtu. Hiện nay, đã sưu tầm được một số vật dụng thường ngày trong sinh hoạt và sản xuất mang đậm bản sắc của người Cơtu như: dong (gùi nữ), array (giỏ tuất lúa), đhađiêng (nia), alui (vỏ bầu khô), taléc (gùi nam), avenge (cuốc nhỏ), achií (rựa); trang phục, trang sức truyền thống (Ririu (lắc tay), coong (vòng tay), đhưr nưức(dây cột đầu), gơhul, ândzăl, ânđooh, adooh (trang phục nam nữ), xơnuur (cột nêu đâm trâu), gơhêl (khiên), bhướt (giáo); nhạc cụ truyền thống (Abel, tâmbhreh (đàn bầu), ânjưl (đàn hai dây), ahen (khèn), aluốt (sáo), chagâr chiing (bộ trống chiêng)… cũng được sưu tầm và lưu giữ; các ngành nghề truyền thống như nghề dệt, đan lát mây tre, văn hóa ẩm thực cũng được khôi phục, bảo tồn và bước đầu đã mang lai hiệu quả kinh tế cho người dân; đã xây dựng được 57 Gươl/78 thôn, ngoài ra còn có Gươl, moong của các gia đình xây dựng để sinh hoạt; 11/11 xã, thị trấn có đội múa cồng chiêng, 80/95 thôn có đội văn nghệ. Huyện cũng đã phục dựng thành công các lễ hội truyền thống như: lễ hội mừng lúa mới, lế hội cồng chiêng, trình diễn trang phục truyền thống; thu âm và làm đĩa DVD nói lý, hát lý của người Cơtu; thành lập các câu lạc bộ nói lý, hát lý; tổ chức mở lớp học tiếng Cơtu; đặc biệt là: nghệ thuật nói lý, hát lý; điệu múa tân tung da dắh và dệt thổ cẩm của người Cơtu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận 03 Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Hình 1: Nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đhrôồng, xã Tà Lu.
Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, một số nét bản sắc văn hóa truyền thống như trang phục, nếp sống văn hóa, phong tục tập quán đang bị pha tạp và dần mai mọt. Do đó, việc tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơtu là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải thực hiện thường xuyên và lâu dài.
Để nâng cao hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Cơtu, thời gian đến các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể cần thường xuyên quán triệt về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đặc biệt là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Chương trình hành động số 29-CTr/HU, ngày 25/8/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát, đánh giá, hệ thống về thực trạng của tất cả các loại hình văn hóa truyền thống trên địa bàn toàn huyện. Quan tâm, tạo điều kiện cho văn hóa đương đại kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống. Động viên khuyến khích sáng tác, sáng tạo nhằm phát huy, phát triển có hiệu quả các loại hình văn hóa nhất là văn học, nghệ thuật. Đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học về văn hóa, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để bảo tồn và phát huy. Tăng cường giao lưu văn hóa, quảng bá các loại hình văn hóa truyền thống; xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
Hình 2: Sản phẩm đan lát.
Hơn bao giờ hết, khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc là nhiệm vụ cấp bách, mang tầm chiến lược hàng đầu có ý nghĩa trọng đại lâu dài trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Kiều Diễm