Hình 1:
Việc gìn giữ bản sắc của văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu, cũng như hệ sinh thái tự nhiên được UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm hàng đầu khi triển khai dự án này (ảnh FVG).
"Cổng Trời" là cái tên theo cách gọi của người dân tại thôn Kà Đâu (xã Kà Dăng, huyện Đông Giang). Nơi đây, bao gồm một vòm núi đá vôi khổng lồ nối hai đỉnh đồi tạo thành cổng. Từ cổng trời vào bên trong là hệ thống hang động gồm nhiều hang lớn nhỏ do dòng nước chảy hàng ngàn năm tạo thành, cùng rất nhiều gềnh thác, suối tự nhiên.
Theo phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) của dự án, phạm vi ranh giới, diện tích khu vực lập quy hoạch tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, phía Đông giáp xã Kà Dăng, phía Tây giáp núi Coong A Lanh, phía Nam giáp đường ĐT 609, phía Bắc giáp núi Coong Our với tổng diện tích khoảng 120ha đất rừng. Đây sẽ là khu du lịch sinh thái, lưu trú khoảng 100.000 khách/năm; mật độ xây dựng gộp dự án tối đa là 25%; riêng đối với các khu vực có đất rừng phòng hộ tối đa là 5%; tầng cao xây dựng từ 1-5 tầng; riêng 3 tháp vọng cảnh có tầng cao là 9, 10 và 13 (chiều cao tối đa 42m).
Dự án được chia làm 04 khu vực chính gồm: 15,93 ha phía Nam với chức năng là nơi đón tiếp, nhà điều hành, quảng trường cây xanh; địa điểm bán vé, hàng lưu niệm, nhà bia di tích lịch sử, chòi nghỉ chân, hành lang đi bộ có mái che, đài vọng cảnh, nhà vệ sinh, khu xử lý nước thải, thu gom rác thải; 60,6ha khu vực trung tâm về phía Nam là dịch vụ du lịch sinh thái; 29,72ha khu vực trung tâm về phía Nam chức năng chính là dịch vụ du lịch văn hóa. Diện tích 13,79ha còn lại được bố trí tại phía Bắc, chức năng chính là lưu trú khách sạn, nhà hàng.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, chủ đầu tư thực hiện theo nguyên tắc san nền cục bộ, giật cấp theo địa hình tự nhiên. Giải pháp kè chắn đất phải được nghiên cứu về kỹ thuật đảm bảo an toàn chịu lực, hình thức đảm bảo mỹ quan của một khu du lịch và các điều kiện liên quan đến môi trường. Nước mặt phải được thu gom, thoát nước theo địa hình tự nhiên; đối với khu vực phía Bắc thoát theo các sườn đồi, về khe tụ thủy của khu vực trung tâm và phía Nam thu về đường tụ thủy, thoát về khe tụ thủy tại khu vực trung tâm. Sử dụng nguồn nước từ khe tụ thủy đưa về trạm xử lý nước cấp, kết hợp bể nước ngầm và bơm để cấp nước cho toàn bộ các hạng mục của dự án.
Hệ thống thoát nước thải phải đi riêng hoàn toàn với hệ thống thoát nước mưa. Nước thải được thu gom bằng mạng lưới đường ống HDPE D100-D200 theo các tuyến đường giao thông, kết nối với trạm xử lý nước thải đặt tại phía Nam khu quy hoạch, sử dụng công nghệ xử lý nước thải MBBR, sau khi xử lý đạt loại A theo QCVN14: 2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt mới được thải ra môi trường; rác thải phải được phân loại và tổ chức thu gom về khu xử lý rác thải tập trung tại phía Nam và hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị để xử lý theo quy định.
Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi qua rừng tự nhiên, hồ sơ thiết kế phải có ý kiến thống nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam bằng văn bản trước khi thực hiện; kiểm soát môi trường nguồn nước, không ảnh hưởng đến hoạt động của dân cư, môi trường trong khu du lịch và vùng lân cận. Xác định cụ thể hành lang bảo vệ nguồn nước mặt theo Luật Tài nguyên nước, làm cơ sở triển khai dự án. Sử dụng, chuyển đổi đất rừng đúng vị trí, ranh giới và đảm bảo quy định về quản lý, bảo vệ rừng; đặc biệt là đất rừng tự nhiên trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai và triển khai dự án.
Hình 2:
Dự án được triển khai với quy mô khoảng 120ha đất rừng (ảnh FVG).
Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Quảng Nam, được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước; thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Mục tiêu dự án nhằm phát triển du lịch tại địa phương, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho huyện miền núi Đông Giang. Tuy nhiên, việc gìn giữ bản sắc của văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu, cũng như hệ sinh thái tự nhiên là vấn đề mà UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm hàng đầu.
Nguồn:(BAOMOI.COM)